Sau khi đã hiểu rõ về sự khác nhau cũng như ưu – nhược điểm của máy ảnh không gương lật so với DSLR, bây giờ là lúc ta đứng trước hai lựa chọn giữa chúng. Với những người ít nhiều đã cầm máy DSLR một thời gian, việc này có vẻ không khó khăn lắm. Nhưng với những người lần đầu tìm đến với nhiếp ảnh, đặc biệt là khi số tiền dùng để mua máy là khoản dành dụm trong suốt một thời gian dài, thì câu hỏi này thật sự cần được cân nhắc một cách nghiêm túc.
Khi nào chọn DSLR
Sự khác biệt trực quan lớn nhất của DSLR so với Mirrorless chính là ở kích cỡ bề ngoài. Vậy nên nếu tiêu chí “to nặng, hầm hố, đầm tay” được bạn đặt lên hàng đầu khi chọn máy, thì đừng ngại ngần chọn DSLR.
Yếu tố thứ hai cần cân nhắc, đó là bạn định dấn sâu đến bao nhiêu vào con đường nhiếp ảnh? Cần tỉnh táo trả lời chân thật câu hỏi này, bởi chiếc máy ảnh dù sao cũng là một tài sản rất lớn. Nếu như nhìn thấy trước được trong tương lai mình sẽ còn sắm thêm cái ống kính này, chiếc đèn flash kia, v..v.. và bạn cũng không ngại bỏ thời gian ra để tìm hiểu thêm về các kỹ thuật nhiếp ảnh; thậm chí, một cách nghiêm túc, bạn muốn sau này mình kiếm ra tiền nhờ chiếc máy ảnh đó, thì DSLR là một lựa chọn tối ưu. Tính tới thời điểm bây giờ, dù lựa chọn Nikon, Canon, Sony hay Pentax, số lượng ống kính và các phụ kiện đi kèm dành cho DSLR của mỗi hãng vẫn lớn gấp nhiều lần so với phụ kiện và ống kính của máy ảnh không gương lật, kéo theo đó là giá thành cũng có nhiều mức hơn, dễ dàng điều chỉnh cho phù hợp với túi tiền của bạn.
Lá phiếu thứ ba ủng hộ DSLR thuộc về khả năng autofocus. Như đã nói ở bài trước, DSLR sử dụng hệ thống lấy nét theo pha, trên một số đời máy còn có đèn hỗ trợ lấy nét, bởi thế tốc độ lấy nét và khả năng lấy nét trong điều kiện ánh sáng yếu của đại đa số máy ảnh DSLR đều tốt hơn Mirrorless. Nếu thể loại ảnh bạn chụp chủ yếu là chân dung, tĩnh vật, phong cảnh, sự khác biệt này có thể không rõ ràng lắm. Nhưng nếu có ý định chụp live show, fashion, thể thao hay đơn giản chỉ là muốn ghi lại hình ảnh vui đùa chạy nhảy của đứa con nhỏ, DSLR có thể sẽ là một lựa chọn an toàn hơn.
Hai yếu tố sau cuối sẽ khiến bạn chọn mua một chiếc DLSR, là cảm biến Fullframe và kính ngắm quang. Cho đến giờ, Mirrorless vẫn chỉ dùng APS-C là cảm biến kích thước lớn nhất. Và kính ngắm quang thì vẫn luôn là lựa chọn yêu thích của rất nhiều người bởi độ sáng rõ và “chân thật” của chúng.
Khi nào chọn Mirrorless
Mirrorless được sinh ra để đáp ứng đòi hỏi “chất lượng ảnh tối ưu trong một thân máy nhỏ gọn” của rất nhiều đối tượng khách hàng. Bởi vậy nên ưu điểm lớn nhất của chúng dĩ nhiên là kích thước và trọng lượng. Sẽ thật oải nếu như hàng ngày bạn vốn dĩ đã phải vác theo cả tá đồ như laptop, tablet, giấy tờ tài liệu này nọ rồi mà nay còn phải đèo bòng thêm một chiếc máy nặng xấp xỉ 1-2kg nữa. Hay công việc của bạn liên quan đến gặp gỡ nhiều người, đòi hỏi phải ăn vận lịch sự trang nhã mà lại khoác trên vai một chiếc túi máy ảnh to thù lù, bên trong là “cục gạch” thô kệch, đen thui và xấu xí thì thật chẳng hợp lý chút nào.
Mirrorless thật sự là một cây cầu nối lý tưởng cho những ai đang dùng máy ảnh compact và muốn chuyển lên một chiếc máy có nhiều tính năng chuyên nghiệp hơn, nhưng lại không thật sự muốn đầu tư thời gian, tiền của và công sức vào việc tìm hiểu, rèn luyện kỹ năng chup hình của bản thân mình. Máy móc càng ngày càng thông minh, tính năng chụp Auto ngày nay đã khác xưa rất nhiều. Tất cả những gì bạn cần làm khi sử dụng Mirrorless là đưa máy lên ngắm chụp, mọi thứ còn lại có thể tin tưởng trao toàn quyền quyết định cho bản thân chiếc máy, và dù ít dù nhiều, thứ bạn thu được chắc chắn sẽ tốt hơn so với ảnh chụp ra từ một chiếc compact.
Có nhiều người cho rằng, họ đã muốn vứt bỏ máy ảnh du lịch vì tính chất “đồ chơi” của nó rồi, ai lại đâm đầu vào một chiếc máy chẳng hề to, nặng, “nam tính” và nổi bật hơn được bao nhiêu? Nhưng thực chất, Mirrorless ra đời đã là chiếc phao cứu sinh cho rất rất nhiều nhiếp ảnh gia hàng đầu trên thế giới. Đơn giản bởi vì công việc của họ - nhiếp ảnh đời thường, nhiếp ảnh đường phố, nhiếp ảnh báo chí – đòi hỏi họ phải trở nên “vô hình” trong đám đông. Ở Việt Nam, tư duy này có vẻ hơi xa lạ, nhưng ở nước ngoài – khi mà việc chụp ảnh một người trên phố khi chưa được sự cho phép của họ có thể dẫn đến cãi vã hoặc thậm chí ra tòa – thì mới thấy được lợi ích to lớn của Mirrorless. Ngoài việc tránh được tội xâm phạm quyền riêng tư cá nhân, chiếc máy ảnh “có mà như không” còn khiến đối tượng bị chụp chẳng hề mảy may nghi ngờ “phòng thủ”, dẫn đến việc gặt hái được những khuôn hình chân thật nhất.
Nhưng lợi thế lớn nhất của Mirrorless, theo suy nghĩ của cá nhân tác giả, là ở khả năng tận dụng lại những “món đồ chơi” cũ từ thời máy phim. Nó rất phù hợp với một số lượng không nhỏ đối tượng khách hàng ở Việt Nam, vốn có sở thích lọ mọ săn tìm “ve chai đồng nát”, và luôn mơ màng nhớ về một thời sử dụng máy ảnh chụp phim, được đắm mình trong cái thú xoay xoay vặn vặn. Nhờ có Mirrorless, không biết bao nhiêu chiếc ống kính có tuổi thọ ngang ngửa với ông cha ta đã được tái xuất giang hồ từ đằng sau những cánh cửa nhà kho cũ kỹ. Tất nhiên, DSLR cũng có thể lắp ống kính máy phim, nhưng chưa bao giờ chúng nhận được nhiều sự hỗ trợ từ bản thân chiếc máy như khi cắm trên Mirrorless.
Vậy rốt cuộc cái nào tốt hơn?
Như thường lệ, câu trả lời kinh điển vẫn là “Tùy thuộc vào bản thân” bạn. Không có một đáp án chung cho mọi trường hợp. Nhưng nếu bạn nhìn vào sâu hơn lịch sự phát triển của nhiếp ảnh từ xưa tới nay, có thể thấy máy móc càng ngày càng nhỏ đi, từ những chiếc máy ảnh phim khổ lớn đóng trong khung gỗ, cho tới dòng Twin Lens Reflex rồi Single Lens Reflex, sự thay đổi về kích thước của máy ảnh tuân theo nhịp phát triển và tốc độ vận hành của xã hội. Nhịp sống càng bị đẩy lên nhanh, nhu cầu của con người càng nghiêng về những thứ nhỏ gọn, dễ dàng mang vác, tiện sử dụng nhưng vẫn đảm bảo chất lượng tối ưu. Trong năm 2013 này, cả Sony lẫn Fujifilm đều không giấu giếm tham vọng sẽ cho ra đời những chiếc máy ảnh không gương lật cảm biến Fullframe. Sẽ là không quá lời khi đưa ra dự đoán rằng tương lai năm mười năm nữa, DSLR có lẽ sẽ chỉ còn chỗ đứng trong giới nhiếp ảnh chuyên nghiệp.
0 nhận xét:
Post a Comment