Vui vẻ cho mượn máy chụp hình, ảnh đoạt giải rồi cãi nhau ~ Học nhiếp ảnh, Hưỡng dẫn sự dụng máy ảnh, đời thường, đường phố

Vui vẻ cho mượn máy chụp hình, ảnh đoạt giải rồi cãi nhau

Câu chuyện ông Hài đưa máy chụp hình kêu ông Tâm chụp giùm tấm ảnh, xong rồi ông Hài cho ông Tri mang ảnh đi dự thi, đoạt giải, và gây ra vụ tranh cãi lùm xùm đang đi đến kết quả êm đẹp.





Bức ảnh Lễ hội khất thực đề tên tác giả Đỗ Văn Tri đoạt huy chương vàng (trái) và bức ảnh cùng tên của ông Nguyễn Xuân Hữu Tâm (phải)
Tại cuộc họp ngày 25-5 giải quyết khiếu nại tác quyền bức ảnh đoạt huy chương vàng (HCV), ông Nguyễn Hữu Hài quyết định “tặng luôn” bức ảnh cho ông Nguyễn Xuân Hữu Tâm “vì ảnh này là một kỷ niệm buồn với tôi”. Ông Tâm cũng đồng ý không tiếp tục khiếu nại. Chủ tọa tuyên bố sẽ đề nghị Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh VN quyết định hủy HCV tại Liên hoan ảnh nghệ thuật khu vực Bắc miền Trung 2013. Ông Nguyễn Hữu Hài và ông Đỗ Văn Tri với hành vi cho và nhận ảnh cũng đối diện với một mức kỷ luật nào đó 
Tuy nhiên, cuộc họp chưa thể hiện được nội dung quan trọng là tác quyền bức ảnh ấy được phân định như thế nào theo nguyên tắc pháp lý. Nhiều người chú ý đến nội dung này vì đây gần như là trường hợp đầu tiên tranh cãi quyền sở hữu trí tuệ “tay ba” như vậy.
Ông Nguyễn Xuân Hữu Tâm cho rằng phải trả lại quyền tác giả cho ông vì ông là người bấm máy. Ông Đặng Việt Hùng (ban kiểm tra Hội Nhiếp ảnh Thừa Thiên - Huế) cũng đồng ý là lao động sáng tạo nên bức ảnh phải xuất phát từ ý tưởng và bàn tay bấm máy, cho nên bức ảnh đương nhiên phải thuộc về ông Tâm. Trong khi đó, nhiều ý kiến khác lại nghiêng về ông Nguyễn Hữu Hài. Ông Nguyễn Tâm Hành (thành viên ban kiểm tra) quả quyết: “Tôi tin 2/3 hội viên đồng ý bức ảnh là của ông Hài, vì giúp đỡ nhau trong hội là chuyện thường”. Ông Phạm Văn Tý (chủ tịch Hội Nhiếp ảnh Thừa Thiên - Huế) thậm chí còn ngụ ý “trách cứ” ông Nguyễn Xuân Hữu Tâm, rằng cách chơi của các nghệ sĩ nhiếp ảnh lâu nay giúp đỡ nhau một cách trong sáng, rất vô tư và thường không để bụng, chứ chưa nói đến chuyện khiếu nại...
Điều này cho thấy các bên liên quan và thành viên cuộc họp vẫn phân tích theo cảm tính, trong khi theo GS.TS.LS Nguyễn Vân Nam, vụ việc trên chính là một quan hệ có nội dung sở hữu trí tuệ, được điều chỉnh bởi khoản 2, điều 39, Luật sở hữu trí tuệ 2005 của VN: “Tổ chức, cá nhân giao kết hợp đồng với tác giả sáng tạo ra tác phẩm là chủ sở hữu các quyền quy định tại điều 20 và khoản 3 điều 19 của luật này, trừ trường hợp có thỏa thuận khác”.
Theo đó, ông Hài là người đã giao máy cho ông Tâm chụp, tức là ông Hài giao kết với ông Tâm để làm ra tác phẩm là bức ảnh (sau đó ông Hài chuyển cho ông Tri). Theo Luật sở hữu trí tuệ, ông Tâm có quyền tác giả nhưng chỉ có quyền nhân thân, và trong các quyền nhân thân, ông Tâm không có quyền “công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm” (khoản 3 điều 19), mà quyền này đã được chuyển cho ông Hài (như khoản 2 điều 39 quy định). Còn ông Hài có toàn bộ quyền tài sản (quy định tại điều 20) đối với bức ảnh, và cả quyền “công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm”.
Như vậy là đã rõ: bức ảnh do ông Đỗ Văn Tri nhận từ ông Nguyễn Hữu Hài đưa đi dự thi và đứng tên Đỗ Văn Tri là không đúng, vì quyền đứng tên (kể cả bút danh) trên tác phẩm này vẫn thuộc ông Nguyễn Xuân Hữu Tâm. Ông Tri chỉ có quyền (từ ông Hài chuyển cho) công bố bức ảnh này, và các quyền tài sản đối với bức ảnh như: a) Làm tác phẩm phái sinh. b) Biểu diễn tác phẩm trước công chúng. c) Sao chép tác phẩm. d) Phân phối, nhập khẩu bản gốc hoặc bản sao tác phẩm. đ) Truyền đạt tác phẩm đến công chúng bằng phương tiện hữu tuyến, vô tuyến, mạng thông tin điện tử hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào khác. e) Cho thuê bản gốc hoặc bản sao tác phẩm điện ảnh, chương trình máy tính.
Đây là một kinh nghiệm chung, có thể gợi ý cho những hoạt động sáng tác có liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ về sau.

0 nhận xét:

Post a Comment