Thuật ngữ Panorama bắt nguồn từ tiếng Hy Lạp, có nghĩa là góc nhìn rộng trong một không gian nhất định. Kỹ thuật Panorama được sử dụng trong rất nhiều môn nghệ thuật như sơn, vẽ, dựng hình 3D và đặc biệt là trong nhiếp ảnh cho bạn một bức ảnh toàn cảnh tuyệt vời.
Một bức ảnh thông thường chỉ được chụp với một góc 90 độ, nên rất khó để bạn có thể thu lại hết toàn cảnh không gian rộng lớn mà bạn mong muốn. Với Panorama, một bức ảnh hiển thị cả 360 độ là một chuyện có thể thực hiện dễ dàng.
Thế nào là ảnh Panorama?
Ảnh: Sonmeonguyen
Ngày xưa, để tạo ra một bức ảnh toàn cảnh Panorama, các nhà nhiếp ảnh chuyên nghiệp đã phải sử dụng những máy ảnh đắt tiền, và ngồi nhiều ngày liền trong phòng tối ráp những bức ảnh lại với nhau bằng kỹ thuật phơi sáng phức tạp.
Nhưng ngày nay, trong thời đại kỹ thuật số, công việc này trở nên nhẹ nhàng hơn rất nhiều. Nếu có thể, hãy sắm cho mình dòng máy ảnh chuyên nghiệp DSLR chuyên chụp ảnh Panorama hoặc thậm chí không cần đến loại máy ảnh chuyên dụng đó, chỉ cần loại máy ảnh kỹ thuật số thông thường có hỗ trợ tính năng chụp liên hoàn, kết hợp với một vài thủ thuật vi tính là bạn đã có thể có một bức ảnh Panorama cỡ lớn.
Ảnh Panorama được chia làm nhiều loại, nhưng phổ biến nhất là hai kiểu chụp sau:
Thứ nhất, chụp một cảnh ra thành nhiều file, sau đó dùng phần mềm ghép chúng lại với nhau. Với cách chụp này, bạn có thể chụp phong cảnh theo chiều ngang (chiều rộng lớn gấp nhiều lần chiều dài để lấy hết toàn bộ khung cảnh rộng lớn), hoặc chụp theo chiều dọc (còn được gọi là vertorama, chiều dài lớn gấp nhiều lần chiều rộng để lấy hết chiều cao những tòa nhà cao tầng).
Thứ hai là Polar Panorama. Chụp 360 độ bằng cách dùng chân đỡ giáp vòng, chụp cả trên lẫn dưới theo dạng hình cầu (biến không gian lớn thành một hành tinh nhỏ).
Tạo một bức ảnh Panorama bằng máy ảnh kỹ thuật số
Ảnh: Sonmeonguyen
Một chiếc máy ảnh kỹ thuật số có hỗ trợ tính năng chụp liên hoàn vẫn có thể tạo ra một bức ảnh Panorama hoàn hảo, nếu bạn chú ý đến một số điểm sau:
Nhất thiết phải đặt máy trên giá đỡ (có bọt nước để cân bằng với đường chân trời) hoặc giá dành riêng cho chụp ảnh Panorama để tâm xoay của máy không sai lệch nhiều với quang tâm của thấu kính, điều này đặc biệt quan trọng
Khi chụp bằng máy kỹ thuật số, nên chọn chế độ cố định như sáng hoặc âm u, đừng nên chọn auto, khi ghép sẽ rất khó chỉnh màu.
Nên dùng ống kính fix thay vì zoom để không thay đổi góc nhìn trong quá trình bấm máy. Khi chồng các file lên nhau để ghép ảnh, thì phần trùng lên nhau đó nên vào khoảng từ 20% đến 30%.
Sau khi đã chụp xong, đa phần các nhiếp ảnh gia thường sử dụng các phần mềm ghép ảnh Panorama tự động như Photoshop, Autostitch, Autopanopro,… Những phần mềm này rất tiện lợi, giúp bạn tiết kiệm thời gian và hầu như ghép rất hoàn hảo những bức hình Panorama.
Nhưng hãy lưu ý, với những bức ảnh Panorama chụp bầu trời, mặt nước hay những vật chuyển động bởi gió như lá cờ, hàng cây,… thì những phần mềm ghép ảnh này sẽ khó hoàn thành nhiệm vụ của mình, vì sẽ rất khó tìm thấy điểm chung nơi phần chồng lên nhau, thậm chí ngay cả khi bạn chụp với tốc độ rất nhanh.
Lúc này bạn nên chọn phương pháp nối bằng tay, ghép thủ công trong Photoshop. Và cuối cùng là phải thật cẩn thận trong khi chụp Panorama, vì chỉ cần một tấm bị hỏng, có thể do rung tay là bạn có thể phải hủy bỏ nguyên bộ ảnh của mình.để hạn chế thấp nhất sự sai lệch khi ghép ảnh, nhất là với những ảnh ghép Panorama 360 độ.
Phương Mai | Thesaigontimes.vn
0 nhận xét:
Post a Comment