Hương ngày Tết theo tôi tới tận bây giờ
Chợ quê ngày Tết. Ảnh tác giả cung cấp. |
Tôi hay theo ông đi đụng thịt lợn, lúc về là một rá thịt: gan một ít, lòng một ít, thịt mỗi chỗ một ít, lại còn chai tiết nữa chứ. Chao ôi sao mà nhớ... (Đào Khánh Hội, Hàn Quốc)
Tôi sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Thái Bình. Nhà có ba chị em, bố mẹ làm công nhân nên phải gửi tôi về quê ở cùng ông bà. Năm 4 tuổi, tôi ở cùng bà ngoại.
Ngày ấy còn nghèo lắm, tôi vẫn nhớ những bữa cơm chiều đông giá rét, bên ngọn đèn dầu leo lét, hai bà cháu ngồi ăn toàn cơm độn khoai. Năm ấy tôi và bà không có Tết. Chỉ nhớ láng máng, bố mẹ về qua nhà biếu bà chút tiền và bánh rồi lại phải đi ngay. Tôi khóc đòi theo, bà phải dỗ dành bằng những quả sung giấm chín trong bị cói.
Năm tôi năm tuổi, tôi được đón về bên nhà nội. Nhà ông nội là trưởng họ. Gần tới Tết các bà các cô người thì cắp thúng mang tới ít gạo nếp, người thì góp bơ đỗ xanh để nấu xôi, gói bánh. Sáng 29 âm, mọi người vẫn phải đi cấy cho kịp vụ, ngoài đồng rộn lên tiếng hỏi bàn nhau ý ơi hẹn chiều đi chợ Tết. Chợ Quỳnh Côi ngày ấy rộn ràng lắm, góc này thì bày mấy quả bưởi, chỗ kia cành đào, cây quất, mấy bà già móm mém nhai trầu vừa trải vội mảnh nilon để bày chuối.
Tôi thích nhất được ra chỗ bán hương và nơi bán rau thơm. Mùi hương ấm áp và hình ảnh những mớ mùi buộc cọng rơm, những quả quất vàng lăn lóc... đã theo tôi mãi tới tận bây giờ. Nội còn chọn mua thêm mấy mớ mùi già để đun nước cho cả nhà rửa mặt mũi thơm tho sạch sẽ đón xuân về. Chợ xa lắm, các bà đội khăn mỏ quạ, người thì cắp thúng người thì đội thúng lên đầu, vội vã về nhà.
Họ hàng mỗi nhà một người tập trung tới nhà ông nội, chuẩn bị đi mời các cụ về ăn Tết. Người cầm cuốc, người cầm hương, tôi còn bé lăng xăng chạy và nghĩ mình sẽ làm nhiệm vụ nhổ cỏ xung quanh mộ.
Tôi vẫn nhớ ngày ấy chưa cấm pháo, nhà ai dù nghèo cũng cố mua cho được bánh pháo đỏ, rồi tới đêm giao thừa, chẳng ai hẹn ai mà nhất loạt đì đùng đì đẹt.
Tết bây giờ không như ngày xưa nữa, không còn cảnh nhà có dao tông thì mang dao tông, ai có mẹt thì mang mẹt, rồi người đun nước, người chặt lá chuối mang hơ cho dẻo, để lát chia thịt mang về. Tôi hay theo ông đi đụng thịt lợn, lúc về là một rá thịt đầy ngồn ngộn: gan một ít, lòng một ít, thịt mỗi chỗ một ít, lại còn chai tiết nữa chứ, tôi nhỏ nhất nên hay được phần cái đuôi lợn. Chao ôi sao mà nhớ...
Đêm giao thừa, mẹ chuẩn bị cơm để cúng gia tiên, bà sửa soạn lễ cho ông ra đình, chùa thắp hương. Tôi là cháu gái nhưng thường được ông dẫn theo, năm nào cũng bị tàn hương rơi làm áo thủng một lỗ.
Đúng 12 giờ, thời khắc bước sang năm mới, cả nhà tập trung đông đủ, bố mẹ và chú tôi chúc Tết ông bà, các cháu còn dại chỉ biết ngồi cười, chí chóe tranh nhau cái kẹo lạc, ông chúc lại rồi rót mật ong mừng tuổi mỗi người một chén. Chén mật ong tuổi thơ ấy mới thơm ngọt làm sao.
Các bạn cũng như tôi, ai cũng có tuổi thơ, có kỷ niệm, với tôi những kỉ niệm về Tết ngày xưa sẽ không bao giờ phai nhạt.
Tới bây giờ tôi vẫn không hiểu được tại sao mùng một Tết lại kiêng không tới nhà người khác, ba ngày Tết kiêng không được hót rác, chỉ nghe bà nội tôi bảo rằng làm như vậy để có một năm mới nhiều tài lộc và mạnh khỏe.
Tới chiều mùng một mới có người tới xông nhà. Tôi phấn khởi lắm vì có người xông nhà rồi là được đi chơi, ngoài đường ai gặp nhau cũng tay bắt mặt mừng, đâu đâu cũng nghe thấy câu chúc Tết.
Giờ tôi ngồi đây, viết ra những dòng này, cũng lại là sắp Tết. Giật mình quay trở lại với thực tại, đã xa rồi những ngày xưa, lòng thoáng buồn vì Tết giờ khác quá. Ai cho tôi mua vé trở về với tuổi thơ?
Tết này là cái tết thứ năm ông không đi lễ đình chùa được nữa, bố tôi thường khấn: "Thầy ơi, chúng con mời thầy và các cụ về ăn Tết với gia đình". Tôi chỉ thấy ảnh ông nhìn cả nhà cười thật tươi.
Năm nay khu tôi ở các anh các chị về Việt Nam ăn Tết nhiều lắm, tôi ngậm ngùi ở lại và có lẽ sẽ còn phải rất lâu nữa mới lại được đi chợ Tết quê nhà.
Đào Khánh Hộ
0 nhận xét:
Post a Comment