Trịnh Công Sơn ghép tên Ánh với “sương mù” bay là đà lãng đãng trước mặt, rất gần nhưng không bao giờ nắm giữ được, thành tên gọi người yêu: Dao - Ánh - sương - mù. Ngày mặt trời lên, có nắng, ông ra đường thấy “mùa hoa hướng dương vẫn còn vàng tươi ở đoạn đường bọc bên lề chiếc cầu dài của thành phố, buổi chiều anh đã đi ngang qua đó và gọi một cách tự nhiên tên Dao Ánh (thư Blao 3.12.1964), hoặc nhắn nhủ: “hãy bình an và huy hoàng như loài hoa mà Ánh đã mang tên” (thư Đà Lạt 21.9.1965), hoặc buồn buồn: “anh qua những bờ bụi hoa mặt trời vàng chói, anh nhớ đến năm ngoái cũng mùa hoa này, hoa ấy nở và anh kể lể về vẻ đẹp đó cho Ánh nghe, bây giờ bỗng dưng nghĩ tất cả đã là dĩ vãng...” (thư Blao 8.11.1965).
Cứ như vậy, trong trăm năm của “một cõi đi về”, Trịnh Công Sơn đã để lại Blao một “cõi tình” không nhỏ, với hàng trăm bức thư góp thành một “tác phẩm sống”. Dĩ nhiên, qua những bức thư ấy, ông còn viết đến những trăn trở và mơ ước của mình về thân phận, quê hương, gia đình, bạn bè và đồng loại. Về nhiều điều khác nữa như những kỷ niệm đã qua, hoặc những ám ảnh hư vô và cảm nhận siêu hình. Song, bao trùm lên tất cả là tình yêu và đam mê của ông tỏa ra khắp các trang viết. Hãy thử đọc trọn thư dưới đây để thấy phần nào điều đã nói trên:
NS Trịnh Công Sơn thời ở Blao - Ảnh do gia đình nhạc sĩ TCS cung cấp |
Blao, 23.9.1965
Ánh,
Buổi trưa anh không ngủ được nên lang thang ra phố. Mưa nhỏ rồi lớn dần đuổi anh chạy về đây. Anh đang ngồi ở câu lạc bộ sát bờ hồ. Bờ hồ bây giờ cũng điêu tàn lắm. Người ta đã chặt bỏ những cây khô sống bao nhiêu năm nay trong hồ. Có một vài chỗ nước rút xuống chỉ còn bùn đen.
Buổi chiều gió thật lạnh. Anh đã mặc áo ấm suốt ngày ở đây.
Anh nhớ Ánh lắm mà ngôn ngữ thì quá chật hẹp, quá cũ kỹ không chuyên chở nổi sự nhớ nhung này. Nên anh đã nói, đã nhắc mãi mỗi ngày mà vẫn chưa đỡ nhớ tí nào.
Ngồi ở đây nhìn ra từng ô cửa kính rất lớn anh mơ hồ thấy mình như lại về một vùng đất nào mới sơ khai. Cả thành phố chỉ xanh rì những cây cối và từng khoảng đất đỏ.
Hiện giờ ở tỉnh đang có một buổi văn nghệ sẽ tổ chức vào cuối tháng. Anh phụ trách chương trình này nên bây giờ vẫn còn được rỗi rảnh không làm việc gì cho đến cuối tháng.
Anh nhớ Ánh lạ lùng đó Ánh. Mà Ánh thì chỉ mong anh chóng đi xa, anh nghĩ thế. Mùa thu hầu như không có trên miền này. Ở đó lá đã bắt đầu vàng chưa Ánh.
Nhưng bụi mờ dọc theo những con dốc đất đỏ ở đây anh vừa đi qua ban sáng và thấy lá của hoa mặt trời xanh um. Anh ngắt gửi về Ánh một ngọn. Hoa thì vẫn chưa nở. Có lẽ đợi hôm nào có mặt trời thì hoa mới bắt đầu hiện diện và cũng là mùa mà anh đã gọi là mùa sinh nhật của hướng dương. Anh đang nhớ thầm về những buổi chiều thứ năm ở đó. Chỉ mới có vài ngày mà tưởng chừng như ngàn đời qua đi trên anh. Anh chợt nghĩ rằng cuộc đời buồn bã như thế này sao chúng mình không tha thiết với nhau hơn.
Những ai chưa bao giờ đi, chưa bao giờ sống qua nhiều nơi, sống qua những ngày mưa ngày nắng trên bao nhiêu vùng đất khác nhau, chưa bao giờ nhìn sâu vào bên sau của con người thì hẳn mới còn đua đòi vào những hời hợt nhạt nhẽo của đời sống được.
Bức thư “tạ tội” vì một lần thất hẹn |
Buổi trưa trời âm u và hơi lạnh.
Anh vẫn không thể nào không thấy sự lạc lõng của mình nơi đây.
Ở trường Đồng Khánh giờ này chắc Ánh đang mài miệt với những bài vở mới. Sân trường đã có những cây hoa vàng, tím mọc nhoi lên trên từng bãi cỏ xanh. Đúng không. E cũng phải mất đến hằng mấy tháng anh mới tạm ổn mình được vào với thành phố này lại.
Bây giờ anh không còn làm người gác hải đăng. Ánh cũng thôi làm người mang lửa. Chúng mình làm sao níu cho được tay nhau trong suốt mùa đông này?
Cơn mưa như thác đổ ngoài trời. Đồi trà bây giờ mù mịt không còn thấy gì.
Anh đang có Ánh - tuổi - nhỏ trước mặt trong chiếc hộp nhỏ anh mang theo đó.
Mưa rất buồn. Như một điệp khúc dai dẳng trong mấy tháng mùa đông này.
Ánh ơi... Nhớ vô ngần.
Cũng ngày 23.9 đó, vào buổi tối, ông viết tiếp lá thư trên: “Ánh ơi, bây giờ là đêm rất đầy ở thung lũng này, anh đang ngồi nhìn, ở phía đồi xa có từng chấm đèn đỏ rất buồn và trái núi thì đã bị che khuất từ chiều bởi mây xám. Anh rất nhớ đêm bây giờ ở đó Ánh đang ngồi bình an trong căn phòng ngát mùi hoa dạ lan và căn nhà anh đầy bóng tối trong căn phòng với chiếc bàn bureau nằm yên cùng những di tích còn để lại đó của anh. Có thể bây giờ đang còn mưa trên lá long não. Và chiều thứ năm này sao anh bỗng nghĩ là Ánh cũng có thể trở lại căn phòng đó để nhìn sự vắng mặt của anh, để ngồi trên chiếc ghế mây đó đếm lại dấu vết vừa qua của mùa hạ, mùa thu. Để nhìn vẻ hư vô trên từng ngón tay rất dài bỏ hoang của Ánh. Hãy năng trở lại đó ngồi một lúc để cho anh hy vọng rằng Ánh cũng tha thiết với những - gì - đã - qua của anh. Đêm rất dày đen. Sâu đất của núi rừng cũng đã reo lên âm thanh rất nhọn.
Ánh ơi, nếu bây giờ anh ra ngoài trời gọi to tên Ánh thì tiếng gọi sẽ dội ra xa, cây cối sẽ thức dậy và loài sâu đất sẽ phải im đi. Anh bây giờ, nhất là trong giây phút này, chỉ mong làm sao có đủ phép mầu để làm cho những kẻ mình yêu thương được hạnh phúc. Mỗi ngày sống qua là mỗi ngày thấy sự bình an sa sút đi một chút. Tâm hồn cũng hư hao đi nhiều. Anh không còn mong gì hơn là được tìm gặp mình mãi giữa những người yêu thương. Sự dấn thân nên chỉ có một lần và kéo dài cho mãi mãi. Ánh có nghĩ thế không. Viết thư về cho anh như thế này: Trịnh Công Sơn. Hộp thư lưu trữ. Ty Bưu điện Bảo Lộc, Lâm Đồng.
Đêm rất buồn và anh thấy đơn độc hơn bao giờ cả. Ánh ơi Ánh ơi, đã xa quá rồi phải không, làm sao còn nghe lời gọi âm thầm này. Đêm anh ngồi khoanh tay đốt thuốc và nhìn khoảng tối đen bên ngoài. Sẽ còn rất nhiều đêm như thế này nữa không một kẻ quen thuộc thân yêu để dùng ngôn ngữ trìu mến của nhau”.
Kỳ 4: Huế - một thành phố nhớ
Trịnh Công Sơn nhắc đến Huế như một “thành phố nhớ” - nhớ sông Hương, nhớ những “đường phượng bay”, những “hàng cây lá xanh gần với nhau”, những hẹn hò - và một người tình “đã khóc chiều mưa”…
Nhớ nhất vẫn là Dao - Ánh - sương - mù, chẳng biết “bây giờ Ánh đang làm gì, bờ sông thì vẫn có những hàng cây - những hàng cây nhìn xuống một đời nước chảy mãi và những màu lá xanh, lá đỏ của mỗi ngày, của mỗi tháng, của mỗi năm” (Blao 26.2.1965). Khi nhận được thư của Ánh từ Huế gửi lên “anh đã đọc bao nhiêu lần và để mừng những tờ thư đó, anh đã mặc áo ấm vào đêm, uống thật say một mình rồi trở về cầm những tờ thư còn thơm mùi quen thuộc đó mà ngủ”.
Bì thư gửi về Huế - Ảnh do gia đình NS TCS cung cấp |
Viết xong một tình khúc, ông lại báo tin “anh viết xong một bản nhạc cho Ánh: Ru mãi ngàn năm, hay: Ru em từng ngón xuân hồng” (Blao 26.2.1965). Sắp đến hè thì nhắn “cuối tháng 4 anh đã nghỉ hè rồi - những ngày mùa hạ anh có được về đó nữa không để nhìn má Ánh hồng hơn bao giờ” (Đà Lạt 21.3.1965). Thường hỏi: “Huế đã có nắng nhiều chưa? Ở đây mùa hạ đã khởi nhưng trời vẫn mát như mùa thu có nắng” (Blao 13.4.1965) và “Ánh ơi, những chiều mưa này đã làm anh nhớ những mùa mưa dầm ở Huế - anh chờ tin Ánh vô cùng đó Ánh” (Blao 15.4.1965). Rất nhiều thư khác nhắc đến mưa Huế và mây trường Đồng Khánh nữa: “đã 5 giờ chiều, có lẽ Ánh còn ngồi ở lớp - không hiểu giờ này ở Huế có mưa không, Ánh có nhìn ra ngoài cửa sổ để thấy tâm hồn mình cũng thênh thang như trời mây ở ngoài kia” (Đà Lạt 21.9.1965). Thư khác: “Huế giờ này có mưa hay trời im đẹp và Ánh có đi qua phố một mình không?” (Sài Gòn 2.10.1965), “Ánh bây giờ đang thế nào ở Huế?” (Đà Lạt 10.10.1965). "Anh nhớ lắm hàng cây long não mùa này ướt sũng và đêm gió lao xao trên đó. Hàng cây đã chứng kiến những mùa thu, hạ, xuân, đông (Ánh đã) đi qua” (thư Blao 8.11.1965).
Đó là hàng cây long não trồng hai bên đường Nguyễn Trường Tộ ở Huế, nhà Trịnh Công Sơn nằm trên đường ấy, kề sông An Cựu gần đầu cầu Phú Cam. Đó cũng là con đường hằng ngày Dao Ánh đi học ngang qua để đến trường. Từ trên ban công của nhà mình nhìn xuống, Trịnh Công Sơn trông theo dáng của người yêu bước đi không biết bao nhiêu lần. Ông bảo, thời trước vào những năm của thập niên 1960, nữ sinh Huế đi học chưa dùng nhiều đến xe gắn máy chạy với tốc độ chóng mặt như thời nay, một số đi xe đạp, còn phần lớn “cứ chậm rãi đến trường bằng những bước đi thong thả hoàng cung”. Dao Ánh cũng thế, đi bộ từ bên kia cầu Phú Cam qua trước nhà ông với “áo xưa lồng lộng”. Sau này, những khi về Huế, lúc Dao Ánh đã vào Sài Gòn học, ông vẫn đứng một mình nhìn xuống: “buổi sáng anh đứng ở balcon nhìn mấy cô bé đi học mà tưởng như cũng có Ánh đang từ phía bên kia cầu đi sang. Cái áo nâu ngày đó chắc bây giờ Ánh phải mặc cao đến gối. Như thế mà cũng đã nhiều năm rồi đó. Anh đã nhìn Ánh lớn lên từ balcon này của nhà anh” (thư Huế 17.11.1966).
Trịnh Công Sơn và chân dung tự họa đêm giao thừa (1965 – 1966) - Ảnh do gia đình NS TCS cung cấp |
Những dịp về thăm Huế, dù ngắn ngày, ông vẫn đều đặn thư vào Sài Gòn “những đêm về đây anh không ngừng nằm mơ thấy Ánh” (Huế 21.11.1966), “thấy nhớ Ánh kì lạ - nhớ đến nản lòng” (Huế 18.11.1966). Đầu năm 1967, vào dịp tết Dao Ánh cũng về Huế, gặp gỡ, yêu thương, rồi chẳng rõ vì giận điều gì mà quay lại Sài Gòn chẳng báo trước Trịnh Công Sơn một lời, nên ông viết thư và tỏ ý trách giận ở những dòng đầu, nhưng càng viết thì dường như nỗi nhớ càng dâng lên, đến nỗi quên giận, chỉ còn nhớ thôi:
Huế, 24/2/1967
Gửi người yêu bạc bẽo nhất cuộc đời của anh,
Đã bao nhiêu buổi trưa buổi chiều thức dậy không có báo hiệu gì của một ngày rạng rỡ vì sẽ thấy nhau từ xa bên kia cây cầu mà giòng sông thay màu chóng vánh như sự phù du của cơn bệnh trên cơ thể một người già nua. Anh đã chờ đợi dù biết đã vô vọng lắm rồi.
Một mùa xuân mà thấy mặt nhau có một lần ôi mùa xuân sao mà khắc nghiệt. Anh biết Ánh vào Đà Nẵng rồi đi luôn vào Sài Gòn mà sao vẫn những buổi trưa nằm không ngủ nghe hoài một bàn tay không bao giờ đến gõ cửa ở nhà trước. Bây giờ thì anh phải tin chắc là Ánh đã đi Sài Gòn rồi. Một vài người bạn hỏi anh Ánh đã đi chưa, anh làm sao biết trả lời.
Mấy buổi trưa rồi nằm nhắm mắt mà không ngủ được, để chỉ thấy một con đường đi vào nho nhỏ đưa vào một căn phòng có nhiều ghế đợi, ở đó đã bao nhiêu ngày ngồi chờ Ánh và những con đường mang Ánh đến trường ra phố thật xa xôi và buồn thảm (...) Nhớ Ánh thật muốn vào ngay.
( . . .) Những ngày nay trời còn đẹp lắm. Tiếc là không thể làm gì hơn để có Ánh ở đây. Này em yêu dấu, hãy nồng nàn với nhau thêm tí nữa cho ngày tháng bớt hoang vu như giòng sông mùa nước lũ. Ơi Ánh của anh của anh của anh. Yêu dấu em vô cùng vô cùng đó em
Trời đất gần như không có thực “Long não, bàng, phượng đỏ, muối, mù u và một dòng sông Hương chảy quanh thành phố đã phả vào tâm hồn thời con gái một lớp sương khói lãng mạn thanh khiết. Huế nhờ vậy, không bao giờ cạn nguồn thi hứng. Thành cổ, đền đài, lăng tẩm khiến con người dễ có một hoài niệm man mác về quá khứ hơn, và một phần nào cũng giúp cho con người được cứu rỗi ra khỏi vòng đai tục lụy. Và từ đó Huế đã hình thành cho riêng mình một không gian riêng, một thế giới riêng. Nó không cám dỗ như cõi phồn hoa đô hội nhưng nó là mạch nguồn của một nguồn gợi cảm nhẹ nhàng riêng. Từ đó, con người bỗng đâm ra mơ mộng và ước mơ những cõi trời đất gần như không có thực”. Trịnh Công Sơn (Hồi ức) |
Kỳ 5: Dù còn phút cuối xin em nụ cười
Hôm nay là đúng 10 năm ngày mất nhạc sĩ Trịnh Công Sơn (2001 - 2011). Ông qua đời sau một cơn mê kéo dài, đúng theo ước đoán mà ông viết rõ trong thư ở Blao ngày 6.12.1964, thời 25 tuổi: “Anh bây giờ bỗng có ý nghĩ nếu phải có một lần chết thì hãy chết trong lúc mỏi mệt nhất - cơ thể rã rời, anh sẽ nằm xuống ngủ mê man và giấc ngủ đó đời đời không còn tỉnh dậy”...
Đúng là ông “đã ngủ” như thế từ 23 giờ khuya 29.3 để chìm vào hôn mê sâu trong hai ngày sau đó tại Bệnh viện Chợ Rẫy - TP.HCM và trái tim “vẫn nhớ cuộc đời” của ông đã ngừng đập lúc 12 giờ 45 phút ngày 1.4.2001 - sau 62 năm chuyển “lời buồn thánh” đến nhân sinh.
|
Ảnh: Do gia đình TCS cung cấp |
Được tin, từ Huế, một trong những người bạn thân nhất của ông là nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường, viết lời vĩnh biệt: “Sơn đã đi mất rồi... Đối với tôi, Sơn đã có công xóa đi và sáng tạo nên một thế giới”. Đó là thế giới của mộng tinh tuyền, là hành tinh trong suốt và tuyệt đối ngọt ngào của “hoàng tử bé”. Đó là thế giới “thoát khỏi những cái cụ thể” để “biểu đạt hết nỗi niềm riêng” như nhạc sĩ Phó Đức Phương đã viết trong những ngày đưa tiễn Trịnh Công Sơn: “anh ra đi bình thản, giản dị... nhưng cùng với thời gian, chúng ta ngày càng thấm thía nỗi thương nhớ vì thiếu vắng anh trong cuộc hành trình gian truân mà không được phép mệt mỏi này”.
Còn nhạc sĩ Phạm Tuyên thì: “Anh ra đi thật ư? Khi mà văng vẳng bên tai mọi người vẫn như còn âm vang câu hát kết thúc một bài ca nổi tiếng của anh viết về mùa thu Hà Nội: “Nhớ đến một người để nhớ mọi người”. Người Hà Nội rất quý trọng anh vì tình yêu của anh đối với mảnh đất Thăng Long cổ kính... Từ Hà Nội xin thắp nén nhang tưởng nhớ đến anh. Những giai điệu và lời ca trong các sáng tác của anh sẽ còn sống mãi trong lòng người Hà Nội”. Nhạc sĩ Phạm Duy khẳng định: “Hôm nay ngày an táng Trịnh Công Sơn. Vài giờ phút anh đã thực sự về với đất, với trời, nghĩa là về với mình rồi, chúng tôi biết rằng anh đã nghìn lần nói lên nghìn lời trối trăn qua tác phẩm, lời nào cũng làm cho mọi người thấy được nỗi đau làm người “nỗi đau tình cờ, cơn đau chưa dài và cơn đau lên đầy, quá nửa đời người không một ngày vui”. Nhưng theo tôi, có lẽ sau đây là lời trăn trối tuyệt diệu nhất, lời cuối cùng Trịnh Công Sơn nói với... Trịnh Công Sơn: Đừng tuyệt vọng, tôi ơi đừng tuyệt vọng, Lá mùa thu rơi rụng giữa mùa đông. Đừng tuyệt vọng, em ơi đừng tuyệt vọng Em là tôi và tôi cũng là em. Con diều bay mà linh hồn lạnh lẽo. Con diều rơi cho vực thẳm buồn theo...”.
|
Tên Trịnh Công Sơn vang trong Đại học Paris ngang tầm với những nhạc sĩ danh tiếng như Charles Brassens, trong Đại học Sorbonne. Những tình ca của Trịnh Công Sơn đã làm xao xuyến lòng người Việt, còn làm người Nhật say mê, người Anh thán phục. Anh chỉ biết thành thật và thống thiết chia buồn cùng tang quyến và cầu nguyện cho hương hồn em tiêu diêu nơi cực lạc. Nhưng em Sơn ơi! Những gì em đã cho đời, đời sẽ giữ mãi, không chỉ ngày nay mà đến cả mai sau, GS-TS - nhạc sĩ Trần Văn Khê |
|
Vực thẳm ấy chứa đầy ngõ ngách của hư vô, ở đó bóng dáng và hơi thở ấm áp của người yêu sẽ dần dần trở lạnh vì hư - vô - hóa, nên ông gọi: “Dao - Ánh - hư - vô, tình - yêu - hư - vô". Có nhiều ngày, chẳng hạn giữa tháng 2.1965, liên tiếp trong các bức thư, ngôn ngữ hư vô đã tràn ngập không gian trò chuyện của ông: “Ánh hư vô của mùa xuân. Hãy trở về làm niềm thần - thoại - cô - đơn cũ. Những buổi mai hư vô. Những chiều tối hư vô. Những ngày - tháng - năm hư vô. Niềm tin cùng lòng chân thành đã bị ma quỷ đưa về vực sâu (Blao 16.2.1965). Mỗi người đã đi từ một đời sống hư vô và sẽ trở về một cái chết hư vô. Ai sẽ đi từ một tình - yêu - hư - vô và trở về cô - đơn - hư - vô. Ôi Ánh - hư - vô (...) Không thể nói là nhớ Ánh nữa, mà cơ hồ như đã mất đi. Như Ánh đã chết và anh trở về sau những ngày tang chế. Ôi hư vô trên đời sống làm sao Ánh hiểu thấu (Blao 17.2.1965). Hư vô đã choán chật khoảng sống nhỏ, từng espace vitale. Ôi buồn là đó, là từng sợi thạch nhũ rơi xuống âm thầm quanh đời sống anh, Ánh đứng nhìn như một vì sao, buổi chiều anh làm người chăn cừu trở về trong những tiếng chuông lục lạc. Anh chờ mong thư Ánh, chờ mong thư Ánh và những lời - nói - cho - ngày - tháng ở đây. Nhớ Ánh thần thoại như bao giờ, bao giờ (...) Bao giờ hư vô biến mất trên cuộc đời này, trên đời anh hở Ánh! (Blao 18.2.1965).
Tạm yên tĩnh vài tuần, rồi khoảng hai tháng sau thư ấy, cơn sốt hư vô lại bất ngờ trào dậy, hâm nóng một khoảng trời trên gác trọ Blao và làm đau trái tim ông, đến phải viết: “Ôi hư vô là từng tháng ngày yêu thương, từng giọt nước mắt, từng buổi hẹn hò. Mọi khởi đầu đều mang sẵn mầm mối chấm dứt. Sự kết thúc nào cũng cuồng bạo như một con trốt xoáy, mang đi biệt tích bao nhiêu huy hoàng. Anh nghĩ đến tất cả mọi hủy diệt chờ chực quanh mình. Nếu không nghĩ đến điều đó thì còn nghĩ về gì?” (Blao 13.4.1965). Đến cuối tháng 9, sắp vào đông, ông gọi: “Ánh ơi, hư vô trải rộng mênh mang, anh muốn gởi về cho Ánh một ít cùng với giá buốt ở đây. Anh nhớ Ánh nhớ Ánh” (Blao 22.9.1965). Năm tiếp đó, 1966, từ Blao về miền Trung, viết: “Sắp hết tháng 11, rồi tháng 12, tháng giêng tới Ánh sẽ có thêm một tuổi - 18 tuổi. Phần anh sẽ thấy mình cằn cỗi thêm mà hư vô thì vẫn che mù trước mặt” (Đà Nẵng 12.11.1966).
Cứ thế, hư vô được nhắc đến hoài, như sau này lúc ông 54 tuổi, trong thư gửi Dao Ánh: “Anh thấy mọi điều trong đời đều là hư không cả. Cái có và cái không, cái được và cái mất cũng không thể nào giết chết linh hồn và đời sống tinh thần mình được. Chúng mình không còn trẻ nữa cho nên gặp nhau được lúc nào là phải sống hết và sống tận cùng từng giây phút đó”. Thư trên viết lúc Dao Ánh về thăm Việt Nam gặp ông, rồi lại ra đi năm 1993, đọc và mường tượng cứ như kiếp trước hai người đã yêu nhau, đã thắm thiết, đã hạnh phúc, nhưng cuối cùng đã bị hư vô và cái chết chia lìa: “Những tuần lễ gặp lại nhau ở đây gần như không thật. Có một cái gì đó rất hư ảo của một cõi đời nào đã xa lắm. Cái hiện tại đó nó trùng lẫn với quá khứ và vì thế nó gần gũi với những giấc mộng”.
Kỳ 6: Những bức thư đầy chất thơ
Hàng trăm bức thư tình của Trịnh Công Sơn vừa công bố cho thấy trong những bức thư ấy, cũng giống như trong âm nhạc của ông, luôn đầy chất thơ. Nhiều câu thơ được viết trong tiếng suối ngàn kêu nhớ và lồng trong văn cảnh của từng lá thư mà ta có thể lắng lòng đọc ra...
Nhạc sĩ Văn Cao khi còn sống đã viết lời bạt in trong Tuyển tập những bài ca không năm tháng (của Trịnh Công Sơn) với phân tích: “Ở Sơn, nhạc và thơ quyện vào nhau đến độ khó phân định cái nào là chính, cái nào là phụ (...). Trong âm nhạc của Sơn, ta không thấy dấu vết của âm nhạc cổ điển theo cấu trúc bác học phương Tây. Sơn viết hồn nhiên như thể cảm xúc nhạc thơ tự nó trào ra. Nói như nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát, một người bạn già của tôi: “Trịnh Công Sơn viết dễ như lấy chữ từ trong túi ra”. Cái quyến rũ của nhạc Trịnh Công Sơn có lẽ là chính ở chỗ đó, ở chỗ không định tạo ra một trường phái nào, một triết học nào, mà vẫn thấm vào lòng người như suối tưới”. Có nhiều nhận xét tương tự như thế về ca từ trong các tình khúc Trịnh Công Sơn - tựu trung cho rằng lời nhạc của Trịnh Công Sơn đầy chất thơ - và đó chính là thơ. Điều ấy lại ứng vào hàng trăm bức thư tình ông viết, nghĩa là “trong thư có thơ” như các trích dẫn dưới đây:
Trịnh Công Sơn trong một quán cà phê sinh viên - Ảnh do gia đình TCS cung cấp |
Dran 11.11.1964
Dao Ánh, Dao Ánh, Dao Ánh
Ánh đã lạnh tay rồi phải không. Hãy ép giá rét ấy lên giấy rồi gởi lên cho anh. Anh đang cần đang cần. Ánh ơi, suối vẫn chảy cho mòn đá, mưa vẫn xuống cho ẩm mục cỏ may, người vẫn gọi nhau cho mòn mỏi. Sẽ còn gì, sẽ còn gì ngoài những tàn tích buồn bã câm im. Tiếng hát của Châu Hà lại có đó… “xa cách nhau chân trời…”. Ánh còn hiện diện ở đó đến bao giờ. Bao giờ rồi đi. Rồi phủi sạch những trầm tích đã bám vào đời mình như một loại rêu phong. Ánh ạ, anh đã làm phiền Ánh và sẽ làm phiền Ánh. Tiếng hát Thái Thanh nghe não nùng như một định mệnh. Mưa xuống và gió lòn vào những khe gỗ. Anh ngồi hút pipe cho ấm cổ, ấm tay. Bây giờ Ánh gặp anh chắc Ánh lạ lắm. Từ hôm đi đến giờ anh để râu dài ra không còn muốn cắt đi nữa. Anh muốn mình bớt bận rộn về những chuyện làm rất vặt ấy đi. Anh cho mình có dịp trở về với thiên nhiên. Anh nghĩ là Ánh cũng chấp nhận điều đó. Đối với chúng anh, anh nghĩ con trai phải rừng một tí.
Mưa đã nhiều hơn. Ánh đã đắp chăn chưa. Trời Huế có giá buốt mới thú, anh nghĩ thế. Bây giờ Ánh thế nào. Anh chưa thấy rõ tóc của Ánh bây giờ. Làm sao có ảnh cho anh nhìn. Ánh ơi rừng núi quanh đây đã im lìm, anh cũng im lìm, Đinh Cường cũng im lìm, tiếng hát còn đó thanh tao. Anh gọi tên Ánh cho anh trong những ngày da du rừng núi này của anh. Ôi, xin những vách núi hãy ghi lại tiếng gọi này tha thiết (…).
Tiếng suối chảy buồn. Trong căn phòng anh Cường đốt đèn sáp trắng ngồi vẽ chân dung anh. Chúng anh uống rượu cho nồng đêm hơn, cho nỗi vui mừng rộng lớn hơn. Trước mặt anh có Camus, Hemingway, James Dean, Kafka, Steve MacQueen và hai cọng lau dài gió thổi phất phơ nhẹ làm hoa trang điểm.
Thủ bút Trịnh Công Sơn với minh họa đồi núi Blao 1964-1965 gửi Dao Ánh |
Ánh ơi, Ánh ơi. Anh nhớ Ánh lắm nhớ lắm. Làm sao Ánh có thể biết được điều đó. Anh có còn ai thân yêu nữa đâu. Bạn bè dăm ba đứa. Và Ánh và Ánh của những ngày muộn mọt này, anh làm thế nào không tri ân cho những may mắn của đời mình. Anh gọi thầm tháng 11 này là ngày của Ánh của Ánh - thân - yêu - cẩm - thạch. Mùa hoa vàng tournesol huy hoàng trên cùng khắp vùng cao nguyên. Anh cười nói với chúng nó như cười nói với Ánh - hướng - dương đêm đã mù. Mặt trăng không sáng nổi. Ánh ơi, Ánh ơi, Ánh ơi, Ánh ơi. Phải gọi nhau đến bao giờ kiệt lực. Trời sinh con người ra đời để gọi nhau, gọi nhau. Bàn tay anh đêm nay ấm hơn, gầy hơn. Sao không có Ánh cho anh giữ trọn giá buốt trong tay suốt một mùa đông này. Anh còn quà gì quý báu để cho Ánh ngoài những bụi bặm, mùi cỏ hoang, hoa dại suốt những miền anh đi qua. Ánh ơi, Ánh có nhận lấy không. Anh đang nghĩ đến Ánh và mùa hoa mặt trời mà Ánh ngủ quên trên đó. Không có Ánh ở đây để anh làm kẻ đưa đường qua suốt những rừng hoa mặt trời cho Ánh thỏa thích. Đêm ở đây buồn như đêm Blao nhưng chúng anh đang có nhau nên không thấy điều đó. Có lẽ anh sẽ kiếm một số tiền kha khá để lên đây hùn vốn làm rẫy và bỏ những ngày công chức ở đó đi. Anh sẽ sống cho mòn đời anh đi để cuối cùng chết không còn ai, không có ai cho đúng với ý nghĩa khắc nghiệt của định mệnh rừng. Anh sẽ tự do nằm rũ và quên dần những phiền muộn tranh đua quanh anh.
Ánh có gì cho anh, cho anh. Sương đã mù hơn, đêm đã lạnh hơn. Người đã buồn hơn. Anh sẽ ướp anh vào sự tịch liêu như tuổi trẻ ướp xác bướm... (còn tiếp).
Trịnh Công Sơn sinh ngày 28.2.1939, năm Kỷ Mão. Con mèo Trịnh Công Sơn nhẹ nhàng, hết sức nhạy cảm, hết sức tinh tế. Tưởng như Sơn nghe cả tiếng nói của cỏ cây, nghe được cả lời thở than khi hoa quỳnh lả cánh. Chính vì vậy mà Sơn đã hỏi: “Làm sao em biết bia đá không đau?” và biết “Ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau”. (...) Trịnh Công Sơn yêu đời với một tâm hồn rất trẻ thơ. Như hai đứa trẻ đánh nhau giận rồi khóc, nhưng sau đó hai đứa lại cười đùa, lại dắt tay nhau chạy nhảy tung tăng. Nguyễn Quang Sáng
|
(Kỳ 7): Trịnh Công Sơn - Dao Ánh qua hồi ức của Trịnh Vĩnh Trinh
Trịnh Vĩnh Trinh là em gái út, cũng là người đưa thư của Trịnh Công Sơn (TCS) đến tận tay Dao Ánh trong một thời gian dài. Chị đã chia sẻ với Báo Thanh Niên về mối tình đẹp này.
1. Dao Ánh là em ruột của Ngô Vũ Bích Diễm (người mà nhạc sĩ TCS từng yêu và viết tặng Diễm xưa). Mối tình của anh Sơn với Bích Diễm không sâu nặng như với Dao Ánh. Khi Bích Diễm vào Sài Gòn học đại học, anh Sơn và chị Diễm không còn dịp gặp nhau nhiều nữa, cũng như do trắc trở gì đó không rõ lắm nên hai người đã gần như không có ước hẹn lâu bền. Có dạo Bích Diễm từ Sài Gòn ra Huế nghỉ hè và ghé thăm anh Sơn. Lúc ấy Trinh còn rất nhỏ, khoảng 6-7 tuổi, nhưng vẫn nhớ một chi tiết rất ấn tượng. Đó là một bữa anh Sơn bị ốm, đang nằm dưỡng bệnh trong nhà, bỗng nhiên nghe có mùi thơm của hoa dạ lan tỏa ngát phòng. Anh gắng đứng dậy bước ra và thấy có một bó hoa dạ lan thật lớn đặt sẵn trước cửa, trong hoa có một lá thư của Bích Diễm viết chia tay mình. Anh buồn bã quay vào và sau này khi Trinh đã lớn, anh Sơn nhiều lần kể lại với Trinh về bức thư ấy...
|
Trịnh Công Sơn có 7 người em - 2 trai: Trịnh Xuân Tịnh, Trịnh Quang Hà và 5 gái: Trịnh Vĩnh Thúy, Trịnh Vĩnh Tâm, Trịnh Vĩnh Ngân, Trịnh Hoàng Diệu và Trịnh Vĩnh Trinh. |
|
2. Và cũng chính từ khi biết chị mình (Diễm) đã chia tay anh Sơn, Dao Ánh viết thư nhờ Ngân (em gái TCS học cùng trường Đồng Khánh với Dao Ánh) đem về cho TCS, thư nói lên tình cảm thân thương của chị Ánh đối với anh Sơn trước những ngày không vui đang bủa vây anh. Anh Sơn viết thư trả lời. Từ đó anh với chị Ánh thư từ qua lại thường xuyên. Năm ấy, vào 1963, chị Ánh mới 15 tuổi.
3. Chị Ánh là người gốc Bắc, gia đình chuyển vào sống tại Huế từ lâu và ở cách nhà chúng tôi một cây cầu, đó là cầu Phú Cam. Ba của chị Ánh là giáo sư dạy tiếng Pháp. Chị nói giọng Bắc và là người rất kiệm lời. Gia đình chị rất gia giáo, nghiêm khắc, thường dạy dỗ và kiểm soát sinh hoạt của con cái rất chặt chẽ. Vì thế việc “nhận” và “gửi” thư của chị Ánh không thể lộ liễu, thường chỉ gửi vào lúc chạng vạng tối khi bắt đầu học bài. Người đưa thư anh Sơn đến với chị Ánh là Trinh và hai người chị kế của mình. Ba chị em thay phiên nhau “xin” anh Sơn cho được mang thư qua nhà chị Dao Ánh. Như đã nói, nhà chị Ánh chỉ cách nhà mình có cây cầu thôi, nên mỗi khi đưa thư là mấy chị em thay nhau đạp xe đi. Lúc đó vì quá nhỏ nên cả ba chị em còn chưa ngồi đến chiếc yên xe đạp cao hơn mình nữa, mà chỉ… đứng và đạp đi. Hình ảnh đó đến giờ Trinh vẫn không thể nào quên. Nhà chị Ánh trồng rất nhiều hoa dạ lan nên mấy chị em rất thích qua đó để được thấy hoa nở, hoa thơm, đôi lúc được chị Ánh hái đưa cho một vài cành thơm ngát. Mỗi khi tới nơi Trinh thường lấp ló ngoài cổng hoặc núp sau gốc cây một lát. Chị Ánh thì đã quen với khoảng thời gian có người “đưa thư” cuối ngày, khi trời sập tối, nên chị cứ canh giờ ấy là đảo mắt nhìn xem có ai ngoài cửa hay không. Khi biết Trinh hoặc chị Ngân đã tới, thì chị Ánh lẻn ra bằng cửa bên hông để nhận thư và giấu vào người...
|
Trịnh Công Sơn và em gái út Trịnh Vĩnh Trinh - Ảnh do gia đình TCS cung cấp |
4. Không chỉ có Trinh mà những ai gặp chị Ánh đều nói chị Ánh đẹp, cao, duyên dáng, sang trọng và tính tình rất dịu dàng. Chị không thích ồn ào, không thích đám đông và sống nội tâm, kín đáo, rất hợp với anh Sơn. Dao Ánh trước đó là bạn của chị Trịnh Vĩnh Thúy, nhưng người thường được Dao Ánh nhờ đưa thư ở trường là Trịnh Vĩnh Ngân (học cùng trường nhưng nhỏ hơn chị Ánh). Cũng như bao cuộc tình khác, khi yêu nhau cả hai cũng có những lúc giận hờn nhau. Song anh Sơn vốn là người hiền lành, từ tốn, nên khi giận cũng hết sức nhẹ nhàng.
5. Về nguyên nhân chia tay, anh Sơn cũng nhiều lần nói với Trinh là anh nhận phần lỗi về mình. Anh nói thời đó anh chưa thể đem lại cho người mình yêu một cuộc sống hôn nhân trọn vẹn, nên anh chưa nghĩ đến việc lập gia đình. Còn phía chị Dao Ánh không thể chờ lâu được. Theo Trinh thì ai cũng buồn mỗi khi người yêu đi lấy chồng, nhưng nỗi buồn của anh rất lạ và rất nhân từ. Chúng tôi từng nói với nhau không phải vì anh Sơn là anh mình mà mình ca tụng, song rõ ràng anh là một con người đặc biệt, chúng tôi cứ tự hỏi vì sao có một con người nhân từ đến thế, cái gì anh cũng nhẹ nhàng. Ngay cả cách dạy dỗ em út trong nhà, mỗi khi ai đó có lỗi, anh thường bày tỏ ý trách giận bằng cách để thư trên gối của người đó. Mỗi lần thấy thư trên gối là chúng tôi sợ lắm, không cần anh phải la mới sợ. Cái cách mà anh giận cũng rất khác người, mọi thứ nhẹ nhàng. Thời trước chưa có điện thoại di động nên mỗi khi đi đến đâu anh thường lấy điện thoại bàn gọi về nhà và cho biết anh đang ở chỗ ấy cùng với số điện thoại ấy. Sau này chúng tôi cũng học anh cách đó. Anh Sơn tập cho chúng tôi thói quen là làm gì thì làm, nhưng đến buổi trưa mọi người phải quây quần bên nhau để ăn uống, còn chiều tối ai muốn đi đâu cứ đi.
6. Dao Ánh sang Mỹ tiếp tục học và lập gia đình. Chị vẫn giữ liên hệ rất thân thiết với những người trong nhà của chúng tôi. Sau này mỗi khi có dịp dù ở trong nước hay ở ngoài nước, Trinh và chị Ánh vẫn thường đi chơi với nhau vào cuối tuần. Sống ở Mỹ chị làm ngân hàng và có hai người con. Hiện chị đã chia tay chồng. Còn những lá thư chị Ánh trao cho gia đình chúng tôi vào một dịp chị về VN và chị nói với gia đình chúng tôi rằng những lá thư này giờ đã nằm trong tâm tưởng của chị. Chị muốn đưa ra để mọi người cùng biết thêm về anh Sơn thời trẻ, thời yêu thương say đắm dẫn đến sự ra đời của những bản tình ca mượt mà. Mới đây, trong dịp kỷ niệm 10 năm ngày mất của anh Sơn, gia đình đã mời chị Ánh xuất hiện trước công chúng, nhưng vốn là người không thích có mặt trước đám đông nên chị đã cám ơn và xin khất lại…
|
Thủ bút Trịnh Công Sơn trong thư gửi Dao Ánh 19.9.1965
Kỳ 8: Em còn nhớ hay em đã quên
| Ngô Vũ Dao Ánh - Ảnh do gia đình TCS cung cấp |
Trong những bản nhạc Trịnh Công Sơn chép tặng Dao Ánh có bài Em còn nhớ hay em đã quên với ghi chú “bài hát đã hát nhiều quanh thành phố” và họa sĩ Thái Bá Vân cùng một số người khác đã nghe Trịnh Công Sơn cầm đàn hát trong một cuộc họp mặt khó quên…
Em còn nhớ hay em đã quên được chọn làm nhan đề cho một tuyển tập 50 tình khúc Trịnh Công Sơn do NXB Trẻ - TP.HCM ấn hành tháng 4.1991. Khi in xong, một số được chuyển ra giới thiệu tại Hà Nội, lúc ấy Thái Bá Vân đang nằm trên giường bệnh đã nhận được một cuốn từ tay nhạc sĩ Văn Cao đưa tặng và đã nhận xét: “hơi nhạc có ma lực xa xăm, sâu kín của Trịnh Công Sơn trước sau là một, chưa bao giờ nó có hạn hẹp, chia lìa, một hơi nhạc đằm thắm và siêu hình, như phấp phỏng hoang vắng về những nỗi đau con người trước ý nghĩa của cuộc đời và hy vọng. Nhưng tài năng của anh lại làm ta an tâm, rằng cái thế giới bàng hoàng thao thức kia không có cách nào khác để bày tỏ ngoài cách của nghệ thuật. Bởi thế mà cả nghệ thuật và chúng ta đều có thể biết ơn anh” (tháng 6.1991). Trước đó có hơn chục năm, Thái Bá Vân đã nghe Trịnh Công Sơn hát các tình khúc (viết trong thời kỳ đầu yêu Dao Ánh say đắm) như Mưa hồng, Gọi tên bốn mùa, Còn tuổi nào cho em rồi. Đó là vào những năm 1978 - 1979, lúc Thái Bá Vân từ Hà Nội vào dạy học tại Huế theo lời mời thỉnh giảng và thường đến chơi với Trịnh Công Sơn ở căn nhà trên đường Nguyễn Trường Tộ, là nơi “đầy kỷ niệm với bạn bè trong đó”. Trên tạp chí Văn Nghệ số 3.1991, Thái Bá Vân ghi nhận: “Trong bộ Bách khoa Le Million viết về tất cả mọi đất nước trên trái đất này, người ta viết về Trịnh Công Sơn (tập 8, trang 122 - Geneve 1973) như sau: “…Nhiều thi nhân Việt Nam ngày nay đã tìm hơi thở hùng ca của tổ tiên ngày trước để hát nỗi đau của mình. Trịnh Công Sơn nổi bật giữa những tài năng trẻ đó. Bài hát của anh tràn ngập thành phố và thôn quê. Trịnh Công Sơn cất cao tiếng hát thi nhân mà đạn bom không bao giờ dập tắt được… Anh nhìn quê hương với đôi mắt nợ nần”. | | Tình yêu cho phép những ca khúc ra đời. Nỗi đau và niềm hân hoan làm thành bào thai sinh nở ra âm nhạc. Âm nhạc như thế là tình yêu, là trong bản thân nó hàm chứa một cõi nhân sinh bề bộn những khổ đau và hoan lạc. Không có bất hạnh và nụ cười có lẽ âm nhạc cũng không thể có cơ duyên ra đời (...). Một bản tình ca đôi khi đi theo suốt đường đời của một con người cho đến tàn cơn mộng mị. | | | TRỊNH CÔNG SƠN | | Riêng bài Em còn nhớ hay em đã quên, Thái Bá Vân kể: “Tôi được nghe chính Trịnh Công Sơn hát tại một gia đình Sài Gòn đã lâu (có lẽ đó là mùa hè 1982) quanh nhiều khuôn mặt một thời tăm tiếng. Ví dụ bà thi nhân Mộng Tuyết - vợ cố thi sĩ Đông Hồ, nhà thơ già Bàng Bá Lân và bữa cơm là do đôi bàn tay văn hiến Hà Nội của bà Vũ Hoàng Chương điều khiển, hôm ấy có một người phản ứng bài hát của Sơn khá mạnh... Trịnh Công Sơn vẫn hiền hậu mỉm cười, không đáp và bấm đàn hát tiếp: Em ra đi nơi này vẫn thế... Thành phố vẫn có những giấc mơ, vẫn sống thiết tha, vẫn lấp lánh hoa trên con đường đi... Em còn nhớ hay em đã quên. Một lần nữa tôi thấy ngọn nến lung linh xanh ngát trong mọi ca khúc của anh, dịu dàng hắt lên khuôn mặt quê hương thứ ánh sáng ám ảnh, huyền thoại, như trên hội họa của một Georges de la Tour (1593-1652), mà mãi đầu thế kỷ 20 người ta mới nhận ra”. Buổi họp mặt trên không ai biết bài ấy Trịnh Công Sơn đã chép tặng Dao Ánh (đang ở Mỹ) và sáu tháng sau ngày phát hành tuyển tập Em còn nhớ hay em đã quên, Trịnh Công Sơn có thư gửi Dao Ánh, với đoạn viết về diện mạo của đường phố Sài Gòn cách đây 20 năm và tự phác họa đôi nét về ông ngày đó:Sài Gòn, 11/10/1991. Dao Ánh thân mến, Sài Gòn dạo này thay đổi nhiều, nhất là về việc xây dựng nhà cửa. Có những con đường ở các quận trung tâm chỉ cần một vài tháng không đi qua khi tình cờ trở lại đã không thể nhận ra đâu là căn nhà quen cũ của mình. Người ta xây cất nhà hoặc sửa mới lại để cho thuê hoặc làm mini hotel. Quán xá cũng mọc lên ào ạt (...) Với anh và một vài người bạn, không còn nơi nào dễ sống hơn ở đây nữa. Đã quen với từng centimet của đời sống này và có một bầu không khí riêng để thở và đã có đủ niềm vui nho nhỏ từng ngày mà không cần mơ ước gì thêm. Thảng hoặc nếu được đi đây đi đó một chút thì cũng chỉ để thay đổi cái nhìn, để thăm viếng bạn bè cũ, ngoài ra chẳng phải vì khao khát hoặc ước muốn gì cả. Cách đây ít lâu có nghe ai đó nói rằng Ánh dự định về thăm nhà trong năm nay. Anh thấy vui vui vì nghĩ rằng Ánh về sẽ có dịp bắt gặp lại đâu đó một vài hình ảnh cũ, một vài điều tưởng đã quên đi ngờ đâu vẫn còn đó. Cũng vì cứ sống mãi với những điều lặt vặt, nhỏ nhắn như thế mà rốt cùng rồi chẳng muốn đi đâu. Trịnh Công Sơn bên Hoàng thành Huế - Ảnh do gia đình TCS cung cấp |
Mưa lúc 18g15. Ánh ơi, những ngày tháng bây giờ hình như không thuộc về anh nữa. Có nhiều lúc ngồi nghĩ lại anh thấy mình đã đánh mất quá nhiều dịp tốt để thực hiện một vài giấc mơ của mình. Chúng mình nói chung đã bỏ lỡ, đã đánh mất nhiều những giấc mộng mà bây giờ nghĩ lại có khi cũng cảm thấy đôi chút ngậm ngùi. Đang mưa ngoài trời, mưa nặng, nhiều và có sấm sét. Anh đang ngồi uống rượu sake với người bạn ở Nhật về, cùng Tôn Thất Văn (họa sĩ), Lữ Quỳnh ở vườn nhà anh. Cuối cùng cũng chẳng có gì quan trọng, chỉ tiếc là không bao giờ nói được hết những gì mình nghĩ với người mình yêu thương và đời sống đã mang đi hết những câu kinh trinh bạch mà không phải lúc nào, giờ nào, thời nào cũng thổ lộ cùng nhau được. Có một thời rất ngu si, mê muội. Có một thời rực rỡ trí tuệ tinh anh. Đã nhìn và thấy hết cuộc đời nhưng khi giác ngộ thì không còn cơ hội để lặp lại những ngôn ngữ chân thực, tinh tuyền của mình nữa. Anh không nuối tiếc cuộc đời mà chỉ vì yêu thương nó mà phải nói lại những lời đáng ra phải lãng quên. (Còn tiếp) Giao Hưởng - Dạ Ly(giới thiệu)
|